Site icon SV388

Suy ngẫm từ sân khấu thực cảnh ở Đà Lạt

Suy ngẫm từ sân khấu thực cảnh ở Đà Lạt - Ảnh 1.

Diễn ra ngay trong mùa thấp điểm nhất về du lịch của Đà Lạt,

Sân khấu Đà Lạt về đêm vốn rất im lìm, thỉnh thoảng có một vài đêm nhạc của các ca sĩ nơi khác đến làm mini show. Mùa mưa lại càng yên ắng. Nên phố núi đang mùa mưa dài ngày này bỗng gây chú ý khi có một chương trình mới toanh gọi tên là kịch thực cảnh. Đó là Madame show-Chuyện kể thứ nhất: Những đường chim bay, diễn ra tại khu Madame de Dalat (biệt điện Trần Lệ Xuân).

Chương trình cũng đã diễn ra, các chuyện kể tiếp theo thì đang chuẩn bị, ở đây chỉ muốn mượn câu chuyện này để nói đến sự tác động qua lại của kịch thực cảnh và bối cảnh văn hóa – giải trí của Đà Lạt.

Một vở kịch thực cảnh đầu tiên về Đà Lạt

Nội dung vở diễn Những đường chim bay có thể hiểu, là màn “diễn kịch một mình” của MC Trác Thúy Miêu khi cô là người kể chuyện và xâu chuỗi lại những câu chuyện về các nhân vật được nhiều người biết đến nhất của Đà Lạt, trong lịch sử 130 năm hình thành Đà Lạt, trong âm nhạc và cả trong những giai thoại, câu chuyện truyền khẩu…

Đó là những nhân vật mà một phần đời họ đã sống, gắn liền với Đà Lạt, là người mà cư dân miền thượng thân thương gọi ông Năm Yesrsin, là Nam Phương hoàng hậu, là đôi uyên ương âm nhạc Lê Uyên Phương, là đôi nhân vật Tâm và Thảo của “đồi thông hai mộ”, là chàng Lang và nàng Biang trong truyền thuyết về tình yêu đẹp đẽ trên cao nguyên Lâm Viên này.

Chen lẫn vào đó là những hoạt cảnh khá sống động, mang đậm dấu ấn của Đà Lạt, đồng thời tăng tính giao lưu tương tác với khán giả. Đó là con dốc bậc thang gắn với địa danh chợ Âm Phủ, là những hàng rong đặc trưng phố núi, là ông già bán đậu phụng rang cá tính một thời quen thuộc với người Đà Lạt mà ngay trong đêm diễn đầu tiên, khiến không ít khán giả lớn tuổi xúc động bùi ngùi.

Sân khấu vở kịch thực cảnh được cách điệu như hình ảnh núi Lang Biang với bối cảnh sân khấu chính là khu vực hồ bơi nước nóng và một phần của tòa biệt thự Bạch Ngọc trong khu biệt điện Trần Lệ Xuân. Những đường chim bay là sự kết hợp của đạo diễn Vũ Trần, ca sĩ Trọng Khương, đạo diễn hành động Katt, biên đạo múa Lê Hải và MC Trác Thúy Miêu trong vai trò tác giả kịch bản, giám sát nghệ thuật và là diễn viên chính có thoại duy nhất, cùng một ê-kíp diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên với gần 50 người tham gia. Họ đảm nhiệm minh họa cho những câu chuyện mà Trác Thúy Miêu kể trong 60 phút.

Chấp nhận diễn viên đông hơn khán giả

Tác phẩm Những đường chim bay diễn ra trong sự tò mò đón đợi và cả không ít nghi ngại, băn khoăn. Từ chuyện tìm kiếm khán giả đến chuyện kinh phí và bài toán thu chi. Trác Thúy Miêu chia sẻ là vở được thực hiện với kinh phí rất hạn hẹp, các thành viên của ê-kíp thực hiện đã cộng tác với thù lao hết sức khiêm tốn. (Có thể thấu hiểu được điều này qua 2 con voi giả xuất hiện trong kịch với tạo hình trông rất gần gũi với các show múa rối.)

Mức giá vé 350.000 đồng bao gồm tham quan toàn bộ khu biệt điện này không cao, không chênh lệch là mấy so với giá vé xem kịch ở TP.HCM, nhưng với lực lượng tham gia vở diễn hết 80% là người ở TP.HCM, cũng như những đầu tư cho một sân khấu mới với sức chứa là 300 ghế, chi phí cho “thực cảnh” là những con số không hề nhỏ.

Đã vậy, lại còn diễn thường xuyên hàng tuần vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật, trong khi ở nơi sinh hoạt kịch nghệ sôi nổi nhất nước như TP.HCM mà một số sân khấu lịch diễn cũng khá chừng mực, một tuần độ 2 suất.

“Chúng tôi không phải là những người giỏi làm kinh tế. Bản thân tôi cũng đã mất 3 năm để học bài học đó, sau khi làm và đóng gánh hát Phụng Hoàng ban. Có lúc tôi từng đánh cược với chính mình rằng thế giới có cần đến nghệ thuật không, khi khủng hoảng kinh tế, xáo trộn trong xã hội diễn ra trong thời đại hậu Covid-19” – Trác Thúy Miêu nói.

Cô nói thêm: “Vở diễn này ra đời là câu trả lời của bài toán nghệ sĩ đang bắt tay với bài toán kinh tế. Đây cũng là thử nghiệm của riêng cá nhân tôi và chấp nhận những khó khăn đến với bản thân. Hy vọng rằng, dù kinh tế du lịch sắp tới có bị ảnh hưởng như thế nào, thì chúng tôi cũng đủ kiên nhẫn để kể câu chuyện về Đà Lạt, kiên nhẫn chấp nhận sẽ có những đêm diễn diễn viên đông hơn khán giả, trước khi vở diễn có thể có đông khách”.

Quyết tâm “lãnh ấn tiên phong”

Đà Lạt vốn chưa bao giờ là thành phố có sân khấu kịch hoạt động thường xuyên như TP.HCM, Hà Nội… Nói vui như nhiều người dân nơi đây, muốn xem kịch thì chỉ có đi máy bay hoặc đi xe đò xuống TP.HCM. Nay, với Những đường chim bay, lần đầu tiên Đà Lạt có kịch, mà lại là thể loại mới toanh ngay cả vớicái nôi kịch nói như TP.HCM còn chưa có!

Trác Thúy Miêu và ê-kíp của mình thừa nhận, họ lãnh luôn trách nhiệm đầy thách thức là tạo thói quen ra khỏi nhà của người Đà Lạt và níu chân du khách khi lưu lại Đà Lạt trong những đêm cuối tuần, là đi xem kịch.

Một khó khăn, ê-kíp thực hiện vẫn chưa có sự kết nối rõ rệt với các đơn vị lữ hành để vở diễn có thể nằm trong hành trình của các tour du lịch đến Đà Lạt như À ố show đã làm được ở TP.HCM, hoặc Ký ức Hội An ở Hội An.

Chưa kể, bên cạnh vai trò một kịch thực cảnh, Những đường chim bay còn gánh luôn trách nhiệm là một show thực cảnh mini cho khách du lịch đến với Đà Lạt, khi hiện nay, thành phố này vẫn chưa có một tác phẩm thực cảnh hoặc tương tự như thế phục vụ du lịch. Ê-kíp thực hiện cũng không dấu mong muốn quốc tế hóa chương trình bản địa, thông qua vở diễn này. Nếu vậy, một vở kịch thực cảnh có thoại rất nhiều như Những đường chim bay là một băn khoăn và có thể là trở ngại với khách nước ngoài, khi nó khác với thông lệ thường có ở các show thực cảnh vốn rất kiệm lời.

Tuy còn khá nhiều điều phải điều chỉnh để có thể đi đường dài, nhưng ít ra thì Madame show- Chuyện kể thứ nhất: Những đường chim bay đã làm được cái việc trở thành kẻ tiên phong khuấy động không khí văn nghệ về đêm của thành phố du lịch này. Và cả gợi cảm hứng cho nhiều người trong giới biểu diễn.

Trong hàng ghế khán giả, hôm diễn ra mắt Những đường chim bay có không ít những người trong giới “có máu mặt” của tổ chức biểu diễn nghệ thuật lâu năm. Họ từ TP.HCM lái xe lên Đà Lạt chỉ để đi xem chương trình này, như một động lực tiếp nối cho những ấp ủ làm các show diễn thực cảnh ở TP.HCM và nhiều nơi khác.

Madame de Dalat là tên gọi mới cho khu biệt điện Trần Lệ Xuân năm nào (số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt), kể từ khi khu này được cải tạo, nâng cấp. Madame de Dalat đang được thực hiện với kỳ vọng đây sẽ là một điểm đến mới cho những ai yêu Đà Lạt.

Ngoài show diễn Những đường chim bay, nơi này đã có thêm những khu vực mới như Khu vườn ký ức, Con đường áo dài, Bảo tàng cao nguyên… và lợi thế là cùng chung không gian với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, nơi lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn. Giá vé tham quan trọn gói, bao gồm cả show Những đường chim bay (diễn lúc 18h30 thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần) là 350.000 đồng.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ