Site icon SV388

Lê Hoàng Nghi – giọng ca “bật sáng” ở “Chuông vàng Vọng cổ”

Lê Hoàng Nghi - giọng ca "bật sáng" ở "Chuông vàng Vọng cổ" - Ảnh 1.

Chuông vàng Vọng cổ

Vòng chung kết đã chọn ra 9 thí sinh tranh tài và thi tổng cộng 4 đêm để loại dần, cuối cùng chọn ra Chuông vàng, Chuông bạc, Chuông đồng. Nếu như những vòng trước, thí sinh Nguyễn Hùng Vương thường xuyên nổi trội hơn cả, thì bất ngờ đến vòng chung kết xếp hạng Lê Hoàng Nghi lại bật sáng một cách ngoạn mục.

Lê Hoàng Nghi số báo danh 25, sinh năm 2003 là thí sinh trẻ nhất trong nhóm, quê ở Cần Thơ, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ và đang sinh hoạt tại CLB Sân khấu quận Ninh Kiều. Nhưng như vậy cũng chưa phải là diễn viên chuyên nghiệp – mà nói theo Ban giám khảo (gồm NSND Trọng Phúc, NSND Thanh Nam, NSƯT Thoại Mỹ) thì em như tờ giấy trắng, ca diễn đều hồn nhiên, chân thật.

Cũng nên thêm một chi tiết: Cha của Nghi là nghệ sĩ cải lương, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên đã bỏ nghề. Tuy nhiên gen nghệ thuật đó lưu lại trong cậu con trai, và Hoàng Nghi đã làm rạng danh xứ Cần Thơ. Giám khảo Trọng Phúc nói vui: “Mong sẽ có thêm một Võ Minh Lâm”. NSƯT Võ Minh Lâm là kép đẹp sáng giá hiện nay, cũng là dân Cần Thơ, và là người từng đoạt Chuông vàng Vọng cổ năm đầu tiên 2006 khi mới 17 tuổi.

Thực sự giọng ca của Hoàng Nghi rất đặc biệt. Nếu phần lớn thí sinh hiện nay có giọng cao, trong, thậm chí chói tai, thì Hoàng Nghi lại có giọng ấm, cách sắp chữ, nhả chữ, luyến láy nhẹ nhàng mang âm hưởng của những nghệ sĩ thế hệ xưa. Chất giọng tuy mới nghe thì rất mộc, không phô trương kỹ thuật, màu sắc, nhưng nghe kỹ sẽ thấy sự điêu luyện ngầm, quyến rũ vô cùng. Sự quyến rũ, rung động mà Hoàng Nghi đem đến cho khán giả xuất phát từ nội tâm, từ trái tim của em, gọi là hát rất “có hồn”. Nghe em hát, khán giả không khỏi rưng rưng.

Trong trích đoạn Kiếm bạt lưu danh (tác giả Thạch Tuyền), Lê Hoàng Nghi đóng vai Phó tướng Lâm Quang Ky của Lãnh binh Nguyễn Trung Trực (nghệ sĩ Thanh Toàn đảm nhận). Khi nghĩa quân thất thủ phải tìm cách rút về Hòn Chông để bảo toàn lực lượng, thì phó tướng này tình nguyện mặc chiến bào của chủ tướng để địch tưởng nhầm mà bao vây, nhờ vậy, Nguyễn Trung Trực dẫn quân thoát hiểm.

Hoàng Nghi khắc họa được hình tượng một người chiến binh dũng cảm, trung thành, với giọng ca tuyệt đẹp và bộ diễn cũng xuất sắc, đẹp từng cái đưa tay, từng cái ngẩng đầu, từng bước chân. Đến nỗi giám khảo Thoại Mỹ cho rằng: “Nhìn cứ nghĩ em là dân chuyên nghiệp. Chỉ một tuần tập luyện mà em làm được như vậy thật là xuất thần”. Rồi trong những giây phút đối thoại cùng lão mẫu (nghệ sĩ Thanh Hằng) và tâm tình, chia tay cùng người vợ (Nguyễn Ngọc Trinh), Hoàng Nghi lại chứng minh được chất giọng ngọt ngào, trữ tình, chinh phục tất cả người xem.

Đến bài vọng cổ bắt thăm Nơi cơn lũ đi qua, thì Hoàng Nghi khiến nhiều người muốn rơi nước mắt. Bài hát viết đúng thời điểm cơn bão lũ đang tràn qua các tỉnh phía Bắc, dễ chạm vào trái tim đồng bào, nhưng nó được cộng hưởng bởi chất giọng ấm áp của Hoàng Nghi, biết cách ngân rung đầy cảm xúc, biết “nói trong ca” đầy sáng tạo nên nghe không đơn điệu, biết nhấn những chữ quan trọng bắt người ta phải rưng rưng.

Ca vọng cổ bắt thăm, không có thời gian chuẩn bị, nhưng vì Hoàng Nghi có sẵn tố chất từ trong trái tim nên nhập tâm vào rất dễ. Tiếng vỗ tay như sấm vang cả khán phòng, và kéo dài lâu nhất trong cả cuộc thi từ trước tới nay. Giám khảo Trọng Phúc nói: “Từ vòng tuyển chọn tôi đã “để ý” em rồi, vì sự đặc biệt không lẫn vào đâu được”.

Đúng là tiêu chí của Chuông vàng Vọng cổ chọn ra những giọng ca đặc biệt không lẫn vào đám đông. Nhưng không phải năm nào cũng có nhân tài vượt trội, có khi chỉ tạm làm vừa lòng khán giả mà thôi, đành chấp nhận so bó đũa chọn cột cờ. Còn năm nay Lê Hoàng Nghi đã bật sáng rất rõ ràng. Em đoạt giải Chuông vàng trị giá 100 triệu đồng và giải do Báo chí bình chọn trị giá 20 triệu đồng.

Dương Thị Mỹ Nhung là diễn viên có giọng ca trong trẻo, nhưng lần này cột hơi chưa chuẩn, khá chủ quan, cho nên khi ca với lên thì bị hẫng thành ra kéo theo câu vọng cổ bị chao. Diễn xuất cũng chưa có hồn, chưa thể hiện được tình yêu của Chức Nữ dành cho Ngưu Lang. Bài vọng cổ bắt thăm cũng chỉ ca đủ tròn. Mỹ Nhung đoạt giải Chuông bạc.

Nguyễn Hùng Vương có giọng ca đủ cả treble, bass, có độ ngân rung rất đẹp, cất giọng là sáng trưng, cộng với kỹ thuật khá điêu luyện do từng biểu diễn trên một số sân khấu. Gương mặt em cũng rất sáng, hóa trang vào vở cổ trang thì đúng là kép đẹp. Vai Lê Tư Thành (trích đoạn Đêm trước ngày hoàng đạo) quả thực rất hợp với em, nhìn sang trọng, đúng bậc đế vương.

Rất tiếc, đêm này, Vương lại không đủ sức khỏe nên có phần loạng choạng. Thêm phần muốn biến hóa cho màu sắc (vì đó vốn là sở trường của em, ca rất màu sắc, sáng tạo), nhưng lại không làm chủ được nên Vương bị hẫng, đâm hơi, rồi mất tự tin luôn phần sau. Bài vọng cổ bắt thăm em chỉ ca ở mức an toàn. Em đoạt giải Chuông đồng. Tuy nhiên, đánh giá đường xa thì đây vẫn là gương mặt trẻ đầy triển vọng của sân khấu với nội lực rất rõ ràng.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ