Site icon SV388

Đạo diễn Quentin Delorme: Kịch ứng tác đến Việt Nam đúng thời điểm

Đạo diễn Quentin Delorme: Kịch ứng tác đến Việt Nam đúng thời điểm - Ảnh 1.

Một buổi biểu diễn có nhiều tiếng cười của cả trẻ em và người lớn, những câu hỏi từ phía người dẫn chuyện được đáp lại bằng những câu trả lời đầy hào hứng của khán giả – đó là những gì vở diễn Ngày xưa nhận về trong buổi ra mắt vào tối 22/9, tại trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin, Hà Nội.

Với mong muốn mang đến cho khán giả một loại hình kịch với những dáng vẻ mới, mang tính bất ngờ và độc đáo, đạo diễn Quentin Delorme đã xây dựng Ngày xưa không chỉ từ những chất liệu kịch mà còn sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật của cả Việt Nam và thế giới trong sự tương tác cao với khán giả.

Cụ thể, Ngày xưa gồm 3 sự tích dân gian (Thần trụ trời, Con rồng cháu tiên và Trầu cau) được chuyển thể sân khấu với sự pha trộn bởi nhiều loại hình nghệ thuật: Kịch nói, kịch ứng tác (đa số), nhảy múa, hài kịch, hài nhạc kịch, kịch câm… và tương tác với khán giả.

Đạo diễn Quentin Delorme đã có những chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Trở về cội nguồn

*Vì sao anh lại chọn 3 sự tích “Thần trụ trời”, “Con rồng cháu tiên” và “Trầu cau” để dựng vở diễn này?

– Có lẽ, ở đâu trên thế giới này, mối quan hệ giữa con người và những câu chuyện dân gian, cổ tích đều được bắt đầu bằng lối dẫn dắt: “Ngày xửa, ngày xưa”. Đặc điểm này không chỉ có ở văn học Việt Nam hay Pháp mà có ở nhiều quốc gia, do vậy, tôi chọn Ngày xưa làm tên tác phẩm.

Và như tên gọi này, tôi muốn xây dựng tác phẩm từ ý tưởng về một loại hình kịch đại chúng không chỉ mang đến khả năng tiếp cận văn hóa cho tất cả mọi người mà còn mang tính giáo dục về thế giới quan và xã hội.

Cả 3 sự tích trong vở không chỉ có điểm chung về lối kể chuyện mà nội dung cũng chứa đựng tính toàn cầu khá nhiều. Ví như Thần trụ trời có nội dung Trái đất được tạo ra từ đâu, con người sinh ra như thế nào – những chi tiết có thể bắt gặp ở nhiều câu chuyện và tôn giáo trên thế giới.

* Được biết, dự án còn hướng đến sự giao thoa của 2 nền văn hóa Pháp – Việt Nam thông qua ngôn ngữ, âm nhạc và thẩm mỹ?

– Đó là kỹ năng dựng lời thoại của vở. Đây là tác phẩm thể hiện bằng 2 ngôn ngữ Pháp và Việt Nam, nhưng khán giả chỉ biết 1 trong 2 ngôn ngữ vẫn có thể xem và hiểu toàn bộ tác phẩm. Nói chung, với 2 ngôn ngữ khác nhau, cách dùng từ ngữ khác nhau, rồi tính thơ trong mỗi ngôn ngữ cũng rất khác nhau… đó là thử thách đối với việc chuyển tải bằng lời thoại. Hơn thế, khi các nhân vật đối thoại, việc dựng vở vẫn phải đảm bảo những đặc trưng trong mỗi ngôn ngữ không bị mất đi.

Trong vở này, tôi sử dụng nhiều yếu tố Việt Nam như trang phục, ngôn ngữ nhưng kỹ thuật dàn dựng lại chọn từ nhiều chất liệu quốc tế. Cụ thể, vở có những động tác theo kiểu Hollywood, những điệu nhảy của một vùng đất trên thế giới hay sử dụng mặt nạ kiểu Pháp… Nhưngnhững chi tiết này không ảnh hưởng đến bản sắc Việt Nam cũng như việc kết nối với văn hóa Việt Nam trong tổng thể.

* Anh có thể chia sẻ về quá trình từ đọc đến dựng vở…

– Rất thú vị! Tôi đọc những câu chuyện này bằng tiếng Pháp và đã rất thích thú. Sau đó khi tìm hiểu bản tiếng Việt, tôi nhờ mọi người dịch và cùng đọc để biết về sự khác nhau giữa các phiên bản. Tôi nhận ra, ở văn học dân gian, mỗi tích truyện luôn có sự thay đổi khác nhau về hành động của nhân vật. Và cũng nhờ yếu tố này mà tôi có thể pha trộn và tìm cách diễn đạt tốt nhất cho vở của mình.

* Vậy điểm chung giữa văn hóa Việt Nam và Pháp ở vở diễn là gì?

– Là văn nói và lối thể hiện văn hóa truyền miệng.

Vượt qua “rào cản”

* Ở vị trí một khán giả, anh thích nhất điều gì ở vở diễn này?

– Tôi thích nhất sự tích Trầu cau – một câu chuyện hướng con người đến việc hoàn thiện đạo đức bản thân và phù hợp với xã hội đến ngày nay. Tôi cũng thích cả người dẫn chuyện -nhân vật Ngọc Hoàng – bởi đây là người dẫn dắt khán giả đi từ làng này đến làng khác, từ câu chuyện này đến câu chuyện khác và cũng là người kết nối các tác phẩm trong vở diễn.

Ngoài ra, một trong những yếu tố văn hóa Việt Nam hấp dẫn tôi là mối quan hệ của các con vật diệu kỳ như con rồng, con cáo 9 đuôi, ngư tinh (cá mập). Chúng làm tôi nhớ đến thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên, những con vật trong thần thoại phương Tây đôi khi không có thật, còn các con vật trong văn học dân gian của Việt Nam đều từ đời sống bước vào truyện.

* Về bản thân mình, anh đến với vai trò đạo diễn kịch như thế nào?

– Tôi lớn lên trong môi trường văn hóa nghệ thuật từ bé. Mẹ tôi làm quản lý cho những sự kiện văn hóa đường phố ở châu Âu, chú tôi là quản lý một rạp hát cũng là nơi tổ chức các festival âm nhạc ở Lyon, còn chị dâu tôi cũng làm chủ một đơn vị tổ chức sự kiện concert ở Bruxelles. Nhờ đó, tôi đã rất thích sân khấu từ nhỏ. Tôi theo đuổi sự nghiệp diễn xuất trước, sau đó là đạo diễn.

*Vậy, anh nghĩ gì khi mang kịch ứng tác đến Việt Nam từ cách đây nhiều năm trước?

– Thật trùng hợp là khi tôi đến Việt Nam để giới thiệu thể loại kịch mới mẻ chưa từng ai biết đến ở đây- kịch ứng tác – cũng đúng vào lúc nó bắt đầu được mọi người yêu thích và đón nhận.

Như bạn biết, đặc tính văn hóa chung về con người ở nhiều nơi tại châu Á là sự thu mình, khép kín. Điều này thực sự trái ngược với những yêu cầu khi tham gia kịch ứng tác – sự thả lỏng cơ thể và bộc lộ bản thân. Nhưng có lẽ cũng vì thế, vượt qua được rào cản này sẽ giống như việc bạn mở khóa được cánh cửa mà đằng sau nó, đang có nhiều thứ đã chờ sẵn chỉ để “tuôn trào”.

Tôi muốn nói rằng đây là môn học rất tốt để phát triển bản thân và tôi thật sự rất vui khi được các phụ huynh và học sinh ở xưởng kịch của mình chia sẻ rằng, sau khi tham gia bộ môn này, mọi người cảm thấy tự tin hơn, yêu đời hơn.

* Vậy, hẳn anh cũng quan tâm đến kịch ở Việt Nam chứ?

– Có chứ. Trước đây, mỗi khi đi đường mà thấy có quảng bá vở diễn mới, tôi đều đều chú ý và tìm cách đi xem. Bây giờ, tôi vẫn dành thời gian đi xem kịch ở Nhà hát Tuổi trẻ và thường đi cùng con gái. Có điều, tôi hơi tiếc vì sau nhiều năm, nghệ thuật kịch nói ở Hà Nội vẫn chưa được phát triển mạnh.

Thú thật, tôi rất thích Việt Nam, đến mức không muốn quay lại châu Âu. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy nhớ nhung nhất khi ở Việt Nam chính là việc không được xem những vở kịch tầm cỡ tới mức làm mình bị choáng ngợp.

* Vì sao anh lại thích Việt Nam đến vậy?

– Ngoài những thứ mà ai ở Việt Nam cũng thích như đồ ăn, thời tiết thì tôi còn thích sự đa dạng và dễ thích nghi ở đây. Nếu ở Pháp, bạn làm gì cũng phải nghĩ trước đến tương lai thì ở Việt Nam, bạn có thể sống ngay với hiện tại và làm nhiều thứ mà mình muốn.

Làm nghệ thuật ở Pháp cũng vậy, nếu muốn dựng một vở kịch, khi đưa ra ý tưởng, có thể tôi sẽ bị phản bác kiểu “không làm được đâu”. Nhưng ở Việt Nam mọi người sẽ nói với tôi rằng “khó đấy, nhưng anh có thể thử”. Giữa một nơi có thể thử (dù kết quả có ra sao) và không thể, thì tôi thích ở nơi có thể.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu tại Cours Florent (Paris) năm 2006, Quentin Delorme (sinh năm 1984) đã theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật với vai trò đạo diễn, diễn viên và giáo viên kịch.

Anh chuyên làm về các tác phẩm sân khấu đường phố, dàn dựng các tác phẩm chuyển thể từ truyện như Bờ bên kia, Bên lề cuộc sống của Gao Xinjiang, và các văn bản chuyển thể thành sân khấu của Henri Michaux, Theophile Gauthier, và các sách Phúc âm. Anh nhận giải thưởng tài năng trẻ Paris năm 2008 và xây dựng trung tâm văn hóa Le sans Plomb ở Ivry-sur-Seine.

Từ năm 2003 đến năm 2010, ở vai trò chỉ đạo đoàn kịch Niza anh đã phát triển các dự án sân khấu ở Pháp, Việt Nam, Maroc, Italy và Bỉ. Năm 2009, Quentin đến Đông Nam Á để làm giáo viên kịch tại các quốc gia khác nhau (Thái Lan, Lào, Philippines, Việt Nam).

Từ năm 2010, anh định cư tại Hà Nội và thành lập ATH – Xưởng Kịch và Nghệ thuật, với sự hợp tác cùng Marianne Seguin. Sau 14 năm gắn bó Việt Nam, “gia tài” của Quentin là 18 năm kinh nghiệm sân khấu, hơn 4.000 học sinh từ 4 tuổi đến người lớn, 22 tác phẩm kịch được anh dàn dựng và một gia đình mang 2 dòng máu Việt Nam – Pháp.

Vở diễn Ngày xưa của anh do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp cùng ATH tổ chức.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ